Thế giới không thể phụ thuộc duy nhất vào Trung Quốc hay Đài Loan về sản xuất bán dẫn. Nhật Bản nhận thấy cơ hội mở để trở thành một giải pháp thay thế và mới đây, một loạt các ông lớn công nghệ của nước này đã hợp lực thành lập hội đồng sản xuất chip tiên tiến có tên Rapidus.
Rapidus bao gồm Kioxia, NEC, NTT, SoftBank, Denso Corp, MUFG Bank, Sony và Toyota và mục tiêu của công ty này là nhằm phát triển và sản xuất hàng loạt sản phẩm bán dẫn thế hệ tiếp theo vào năm 2027. Rapidus đã nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Nhật Bản với khoản tài trợ 70 tỉ yen. Theo bộ công nghiệp Nhật Bản thì mỗi công ty tham gia sẽ đầu tư xấp xỉ 1 tỉ yên vào Rapidus, riêng MUFB Bank góp 300 triệu yên.
Sự thành lập của Rapidus xuất hiện vào thời điểm nguồn cung chip toàn cầu đang bị thiếu hụt, ảnh ưởng đến nhiều ngành công nghiệp từ sản xuất xe hơi đến điện tử tiêu dùng. Bộ trường bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản – Yasutoshi Nishimura cho biết: “Bán dẫn đang trở thành thành phần tối quan trọng để phát triển các công nghệ tối tân nhất như AI, công nghiệp số và công nghệ sức khỏe. Nó sẽ còn trở nên quan trọng hơn nữa từ khía cạnh an ninh kinh tế” vì những rủi ro địa chính trị đang nổi lên.
Rapidus và IMEC, Bỉ ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển chip tiên tiến hôm 7 tháng 12.
Trước đó thì Nhật đã công bố kế hoạch đầu tư 350 tỉ yen để xây dựng một trung tâm nghiên cứu hợp tác với Hoa Kỳ. Mục tiêu là để phát triển chip tiên tiến dùng tiến trình 2nm. Một loạt các viện nghiên cứu và công ty bán dẫn tại Mỹ, Nhật và châu Âu sẽ tham gia vào nhóm nghiên cứu này. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật cũng có kế hoạch đầu tư 450 tỉ yen cho hoạt động sản xuất tiên tiến và 370 tỉ yen để đảm bảo nguồn cung vật liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất.
IBM được cho là đang hợp tác vơi Rapidus để cấp quyền sử dụng công nghệ sản xuất chip cận 2nm tại Nhật. Rapidus hướng đến mục tiêu phát triển chip 2nm dành cho nhiều ứng dụng như 5G, máy tính lượng tử, trung tâm dữ liệu, phương tiện tự hành và thành phố thông minh.
Vị thế của Nhật Bản trên thị trường bán dẫn vẫn là trợ cấp cho các công ty bán dẫn thuộc các nước đồng minh như TSMC của Đài Loan, Micron và WD của Mỹ để mở rộng sản xuất chip tại Nhật. Rapidus sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn của Nhật bằng hoạt động R&D và sản xuất chip tiên tiến. Dây chuyền sản xuất bán dẫn mới nhất của Nhật vẫn sử dụng tiến trình 40nm trong khi các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu đã xuống đến 2nm.
Nguồn: Tinh tế