Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Trên tay DAC/ Amp để bàn TOPPING DX7 Pro+. Thiết kế đẹp, chất âm hay và nền âm sạch.

Trên tay DAC/ Amp để bàn TOPPING DX7 Pro+. Thiết kế đẹp, chất âm hay và nền âm sạch.

Mình yêu thích TOPPING từ lâu rồi, vì những sản phẩm mình đã và đang xài như TOPPING D70s/ D90/ A90 đều rất chất lượng nên sẵn dịp cuối năm, mình tậu thêm TOPPING DX7 Pro+ để đổi gió cho dàn audio nhà mình. Nghe vài ngày thì ấn tượng quá nên viết bài chia sẻ với anh em luôn.

Unbox & Thiết kế của TOPPING DX7 Pro+:

TOPPING DX7 Pro+ đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam với giá là 16,990,000đ và máy được đóng gói cẩn thận trong hộp đen có chữ TOPPING như các sản phẩm khác của hãng.

Bên trong hộp gồm sách hướng dẫn; dây nguồn; dây kết nối usb với nguồn phát; remote điều khiển – không có pin sẵn, mà thực sự mình cũng không cần đến vì DX7 Pro+ có thể điều khiển thông qua núm vặn âm lượng; đầu chuyển tai nghe từ 3.5mm sang 6.3mm; đầu phát tín hiệu để kết nối bluetooth.

Thiết kế của máy:

Và đây là nhân vật chính của chúng ta – TOPPING DX7 Pro+. Ngoại trừ việc nâng cấp thiết kế bên trong để gia tăng hiệu năng thì thiết kế bên ngoài gần như tương đồng với hai người đàn anh là TOPPING DX5 và TOPPING DX7 Pro.

Phần thân máy của DX7 Pro+ sử dụng chất liệu hoàn toàn bằng nhôm, CNC và lớp phủ mờ giúp chống trầy xước, chống bám vân tay. Các đường nét của máy được bo tròn mềm mại, ốc vít hay các khớp nối cũng được ẩn đi tạo nên một tổng thể liền lạc, tối giản. Máy cầm đầm tay, kích thước nhỏ gọn nên sẽ phù hợp với mọi bàn làm việc của anh em.

Ngôn ngữ thiết kế này từng giúp người đàn anh TOPPING DX5 đoạt giải thưởng Golden Pin Design Award và công nhận là máy rất đẹp anh em à.

Các cổng kết nối và thông số nổi bật:

Vì là chiếc DAC/Amp đầu bảng nên hãng trang bị đầy đủ các cổng giao tiếp cho TOPPING DX7 Pro+, từ USB, Optical, Coax đến Bluetooth 5.1. Điểm làm mình khá ấn tượng là DX7 Pro+ được trang bị chip QCC5125 để có thể chơi nhạc không dây chất lượng cao lên đến 24bit/96kHz. Bản thân mình thì gần như chỉ sử dụng cổng USB mà thôi, cổng này thì chơi được nhạc DSD512.

Anh em dùng remote của hãng đính kèm hoặc sử dụng núm điều chỉnh âm lượng để thay đổi các chế độ kết nối của máy rất dễ dàng.

TOPPING DX7 Pro+ cung cấp 3 ngõ đầu ra dành cho tai nghe là 6.3mm, 4.4mm, XLR với công suất chung lần lượt là:

  • 1900mW x2 @32Ω THD+N<1%
  • 1350mW x2@64Ω THD+N<1%
  • 320mW x2@300Ω THD+N<1%

Dù mạch Headphone AMP của TOPPING DX7 Pro+ không phải là true balanced như TOPPING A90 nhưng với công suất ở mức khá cùng với việc được tích công nghệ độc quyền NFCA – được TOPPING giới thiệu là giúp giảm nhiễu nền, giảm méo tiếng thì mình thấy DX7 Pro+ vẫn đáp ứng đủ cho rất nhiều loại tai nghe trên thị trường. Nếu anh em nào đang sở hữu những chiếc tai nghe có trở kháng cao như Senheiser HD600/ 650/ 800S và cần khai thác chất âm tối đa thì có thể ghép thêm Headphone AMP rời thông qua line out RCA và XLR có sẵn của DX7 Pro+, gain và output ngõ ra của DX7 Pro+ rất cao, lên đến 4.2 Vrms tại XLR.

TOPPING DX7 Pro+ không chỉ có thiết kế đẹp, nhiều công nghệ và thông số xịn sò mà trải nghiệm nghe nhạc mà nó mang lại thực sự rất tốt. Ngay hôm unbox, mình đã có 1 buổi tối rất trọn vẹn với TOPPING DX7 Pro+ và Beyerdynamic T1 Gen 3.

Cảm nhận nhanh âm thanh sau 3 ngày trải nghiệm:

Điểm mạnh của DX7 Pro+ là nằm ở mạch DAC full balanced với chip giải mã đầu bảng của Sabre là ES9038 Pro và máy có cả tính năng “sound simulation” cho ra 3 giả lập màu âm khác nhau, điểm này thì con TOPPING D70s mình đang xài là không có.

Sau khoảng 3 ngày trải nghiệm, thì TOPPING DX7 Pro+ mang lại cho mình 2 ấn tượng sau về chất âm.

  • Nền âm tĩnh và sạch: Ở tầm giá này và cộng với việc trong suốt quá trình nghe, mình cũng không sử dụng dây dẫn, dây nguồn, dây tín hiệu, hay điện đóm gì đắt tiền mà DX7 Pro+ vẫn mang lại cho mình một nền âm rất tối & tĩnh. Điều này giúp mình nghe được các chi tiết trong giọng hát, nhạc cụ của các bản thu dễ dàng mà không cần phải căng tai ra lắng nghe, độ động cũng được cải thiện đáng kể nữa. Mình cực kỳ thích điểm này vì mình có thể thoải mái nghe nhạc trong một thời gian dài mà không bị nhức đầu.
  • Màu âm ấm áp, tình cảm nhưng không làm mất đi chi tiết: Mình thường dùng bài Cỏ Mềm – Tấn Minh (album Cánh Cung) để thử nhạc tính của thiết bị. Với những tai nghe hoặc thiết bị đề cao tính kỹ thuật hay chi tiết thì mình không muốn nghe bài này quá lâu, nghe nó hơi mất cảm xúc – như con TOPPING D70s mình đang xài. Ngược lại, với những tai nghe hoặc thiết bị nịnh tai quá thì nó làm mờ hết chi tiết trong giọng hát trầm ấm, đầy tính tự sự của Tấn Minh. Không hiểu sao, con TOPPING DX7 Pro+ này cân bằng được 2 thứ mình vừa đề cập, nó làm mình nghe đi nghe lại bài Cỏ Mềm mãi không chán.

Tổng kết:

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, độ hoàn thiện tốt và kích thước nhỏ gọn.
  • Kết nối dễ dàng, nhanh chóng và dễ điều khiển.
  • Cổng input và output đa dạng.
  • Mục đích sử dụng đa dạng, vừa có thể làm DAC thuần với mạch true balanced, chất âm rất tốt vừa có thể làm DAC/ Amp tích hợp, tiện lợi.
  • Công suất đáp ứng tốt hầu hết các tai nghe trên thị trường. Anh em hoàn toàn có thể chiến tốt với các tai nghe dynamic có trở kháng thấp như Focal Elear, Clear; Beyerdynamic DT 1990 Pro, T1 Gen 3; Denon DH5200, 7200. Tai nghe planar magnetic tầm thấp và trung như Hifiman Sundara, Ananda; Audeze LCD – 2 Classic/ Closed Back.

Nhược điểm:

  • Cần Amp rời để có thể khai thác tối đa các tai nghe có trở kháng cao trên 250 ohm như ATH R70x, Sennheiser HD600/650/HD800S.
  • Không gian sân khấu ở mức trung bình khá. Điểm này với mình không thành vấn đề nhưng mình nghĩ là sẽ có với các anh em nghe giao hưởng nhiều.
  • Mức giá không dành cho số đông.

Thông số kỹ thuật:

Mình đã cố gắng cô đọng thông tin để mang đến bài viết hữu ích và ngắn gọn. Chân thành cảm ơn anh em đã xem bài ^^!

Tác giả: Jaydenphan

Nguồn: Tinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *